Nhật kí hằng ngày,  Yêu thương

Sức mạnh của sự im lặng

 

Đã có rất nhiều lần, tôi trải qua sự im lặng. Sự im lặng bắt đầu từ việc không nói chuyện với mọi người ngoài kia, và dần dần là sự im lặng bên trong. Tôi chưa trải nghiệm việc “im lặng từ bên trong chính mình” một cách đúng đắn và hoàn toàn nhất, nhưng những lần được đưa vào thế phải im lặng, tôi thấy mình khác.

Vốn dĩ tôi không biết điều này dù nó hiển hiện khá là nhiều lần trong cuộc sống của mình, từ cái đợt cách li xã hội do COVID, đến cái đợt phải ở phòng 1 mình vì nhỏ em ra Huế hay lâu hơn là cái hồi cấp 2, cấp 3, khi tôi quyết định mình nên “ít nói” lại. Xong rồi dạo gần đây, tôi lờ mờ nhận ra một cách rõ nét rằng, tôi của những ngày ở một mình, khác với tôi của những ngày mình nói chuyện nhiều. Tất nhiên, cảm giác chỉ là một thứ gì đó không rõ ràng.

Hôm nọ, được các chị ở Góc Trà Niệm mời tới quán tham gia đêm của yêu thương và hi vọng, trong hoạt động phần 2, mình được bốc một cái bookmark handmade quá ư là dễ thương với lời nhắn nhủ của thầy Minh Niệm, được các chị mình viết tay lại:

“Mắm muối không hề mặn

Với lượng cả dòng sông

Lỗi lầm kia bé nhỏ

Với cõi lòng mênh mông”

Câu đúng với những gì mình cần lúc đó, vì mấy ngày đó có một chuyện làm mình khá day dứt, Câu mình nhận được đã củng cố thêm cho quyết định của mình, bao dung với lỗi lầm của mình, học hỏi từ lỗi lầm đó.

Vâng, có bookmark thì hẳn có sách, các chị tặng chúng tôi cuốn sách của một tác giả người Ấn có tên Deepak Chopra – “Bảy quy luật tinh thần của thành công”.

Bình thường, tôi không thích lắm những loại sách kiểu này cho lắm, những cách thức, những quy tắc, quy luật, rồi mình làm theo để đạt được một mục đích nào đó, nghe như mò kim đáy bể, bởi ngoài kia có biết bao nhiêu cuốn sách “dẫn lối thành công”, mà còn những cuốn sách khác gây hứng thú cho tôi hơn là việc “thành công”. Thế nhưng cuốn sách này khác, tôi đọc nó vào buổi tối trước khi đi ngủ, sau một ngày làm việc. Với quy luật đầu tiên: ” Quy luật tiềm năng thuần khiết “, nghe qua có vẻ khó hiểu, nhưng tóm gọn lại thì, để tiếp cận được nguồn năng lượng sáng tạo, thuần khiết trong cơ thể mình, thì cần 3 điều, là tĩnh lặng, tham thiền và không phán xét.

Khi đọc tới đó, tôi đồng ý, đến giờ ngủ nên tôi đi ngủ nhưng trong đầu không quên lẩm nhẩm những điều này và cho rằng đây là một cuốn sách rất có giá trị. Tôi nhìn lại một lượt bản thân mình, hóa ra là vậy, là những ngày tôi thấy mình vui, nhưng thật ra không phải vậy. Lấy ví dụ, hôm đó tôi đi quẩy rất vui, tôi được ai đó khen xinh và có đầu tóc đẹp, tôi sẽ rất vui, nhưng sau đó không khi trở về những ngày thường, lại bị chán hơn lúc trước. Thêm một ví dụ, có vài chuyện làm tôi buồn chán, tôi gặp gỡ bạn bè và tâm sự, không biết có phải càng lớn con người ta càng đổi khác hay không, mà nếu càng nói nhiều, càng thỏa mãn khi nói bao nhiêu thì lúc về lại càng chán bấy nhiêu.

Dạo trước khi nhỏ em không ở cùng, tôi lủi thủi một mình mỗi tối và mỗi sáng, không trò chuyện với ai, cũng chẳng thích ra ngoài, lúc đó tôi “tĩnh lặng” hơn bây giờ nhiều, và tôi bắt đầu nhận ra, nói càng nhiều, tâm càng xáo trộn, càng tĩnh lặng, càng nhìn rõ bản thân mình hơn.

Mỗi một quãng thời gian trôi qua, tôi lại dần khám phá ra một điều mới mẻ, cái mới mẻ của thời gian trước lại cũ ở thời điểm hiện tại. Giờ đây tôi nghĩ là, con đường tôi đi phải có ít nhất một điều, chính là xây dựng sự tĩnh lặng bên trong chính mình. 

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *